Làm thế nào để phát hiện mầm bệnh được coi là "kẻ giết người thầm lặng"?
Đa phần người bệnh viêm gan virus C thường không có những triệu chứng cũng như biểu hiện nhận biết rõ ràng. Đợi đến khi các triệu chứng của bệnh trở nên rõ rệt thì cũng là lúc tình trạng viêm gan đã ở mức độ nghiêm trọng. Triệu chứng điển hình khi bệnh đã trở nặng thường gặp là có hiện tượng chán ăn, cơ thể mệt mỏi, hay thấy đầy bụng, đi phân lỏng, nước tiểu vàng, lách to, đồng thời các chỉ số nồng độ men gan trong máu như ALT/AST cũng tăng cao hơn mức cho phép gấp nhiều lần và diễn ra trong một thời gian dài.
Đối với viêm gan C, có những xét nghiệm cơ bản là: anti-HCV, HCV-RNA, serotype HCV…
Xét nghiệm anti-HCV
Đây là xét nghiệm đầu tiên để sàng lọc xác định xem bạn có mắc viêm gan C hay không. Anti-HCV là một loại kháng thể sinh ra khi virus HCV xâm nhập vào cơ thể. Kết quả xét nghiệm anti-HCV có ý nghĩa như sau:
- Anti-HCV (-) âm tính: Điều này chứng tỏ bạn chưa từng nhiễm virus viêm gan C hoặc là đang trong giai đoạn phơi nhiễm với virus HCV (virus vừa mới xâm nhập vào cơ thể).
- Anti-HCV (+) dương tính: Có thể bạn thuộc 1 trong 2 trường hợp dưới đây:
Trường hợp 1 là đã từng nhiễm virus HCV nhưng đã được chữa khỏi bệnh hoặc là cơ thể đã tự đào thải được virus ra ngoài.
Lưu ý: Khi virus HCV xâm nhập vào cơ thể người trưởng thành thì khả năng cơ thể tự loại bỏ hết được virus là khoảng 15%. 85% số người còn lại sẽ chuyển thành sang giai đoạn viêm gan virus C mạn tính.
Trường hợp 2 là bạn đang bị nhiễm viêm gan virus C.
Để xác định chính xác tình trạng bệnh, bạn sẽ phải làm thêm các xét nghiệm khác, trong đó quan trọng nhất là chỉ số xét nghiệm HCV-RNA.
Xét nghiệm định tính HCV-RNA
Ý nghĩa chỉ số xét nghiệm viêm gan C này chính là tìm kiếm dấu vết của virus có trong máu người bệnh. Cách đọc kết quả xét nghiệm như sau:
HCV-RNA (-) âm tính: Kết quả này cho thấy trong máu không xuất hiện dấu hiệu của virus. Điều này cho biết rằng bạn đã khỏi bệnh viêm gan C (trường hợp 1 nói ở trên).
HCV-RNA (+) dương tính: Kết quả này chứng tỏ bạn đang bị nhiễm virus viêm gan C (trường hợp 2 nói ở trên).
Như vậy, từ 2 xét nghiệm trên nếu kết quả dương tính cả anti-HCV và HCV-RNA thì có thể kết luận là bạn đang bị viêm gan C. Lúc này, bạn cần phải tiến hành những xét nghiệm cụ thể hơn về định lượng HCV-RNA, gen virus viêm gan C, xét nghiệm tổn thương tế bào gan… để xác định cụ thể hơn về tình trạng bệnh lý của mình.
Xét nghiệm định lượng HCV-RNA
Sau khi xét nghiệm định tính, các bác sĩ sẽ làm tiếp xét nghiệm định lượng HCV-RNA. Chỉ số này sẽ cho biết số lượng virus viêm gan C đang tồn tại trong máu là bao nhiêu.
Xét nghiệm xác định nhóm virus viêm gan C (Serotype HCV):
Xét nghiệm này rất quan trọng giúp bác sĩ biết được kiểu gen virus HCV để từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất. Hiện nay, y học đã tìm được 6 nhóm virus viêm gan C khác nhau nhưng ở Việt Nam mới phát hiện được 4 nhóm virus HCV là nhóm 1 và nhóm 6 (chiếm tới 90%), nhóm 2 và nhóm 3 ít gặp hơn. Trong đó, nhóm 1 và nhóm 6 là khó trị nhất và tỷ lệ tái phát cao hơn nhóm 2 và 3. Đối với nhóm 1 và 6 thì thời gian điều trị thường 12 tháng hoặc hơn, còn nhóm 2, 3 thì thời gian điều trị có thể rút ngắn còn 6 tháng.
Ngoài những xét nghiệm cần thiết trên, người bệnh còn cần phải làm một số xét nghiệm khác để đánh giá mức độ tổn thương của gan và mức độ nặng nhẹ của bệnh như: xét nghiệm men gan (ALT/AST), bilirubin, sinh thiết gan, fibroscan…